Trào lưu chơi nội thất tiền tỷ của người Việt trẻ

Khoe đồ hiệu, ôtô sang đã không còn là “mốt”. Hiện, thứ thể hiện “đẳng cấp” của nhiều người dưới 30 tuổi là căn hộ có nội thất không “đụng hàng”, giá nhiều tỷ đồng.

Ở tuổi 26, Vũ Hải Nam ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã sở hữu một căn hộ duplex. Ngay khi nhận nhà, Nam đã quyết định chi 2,5 tỷ đồng cải tạo phần thô, 2,5 tỷ đồng cho nội thất.

Căn hộ vừa hoàn thành đầu năm 2021 khiến bạn bè và người quen của Nam trầm trồ. Ban đầu, chàng trai sinh năm 1995 không nghĩ sẽ tốn từng đó tiền. Với quan niệm “nhà để ở thì phải đẹp”, Nam chấp nhận bỏ ra phần lớn số tiền tích lũy được để “sao cho đạt kết quả tốt nhất”.

Căn hộ 210 m2 của Nam được thiết kế theo phong cách hiện đại, sử dụng các chất liệu có tính phản chiếu cao để thể hiện sự sang trọng. Thiết bị điện tử đều là hàng nhập khẩu, chiếc tủ lạnh cũng thuộc dòng đắt nhất trên thị trường, có tính năng hiển thị những bức hình gia chủ mong muốn. Trang trí thêm cho công trình là chân dung chủ nhân kèm các mô hình bearbrick đắt đỏ thể hiện sở thích và sự chăm chút bản thân của gia chủ.

Bên trong căn hộ phong cách hiện đại của một cô gái 25 tuổi. Ảnh: Luu Quang Minh Photography.

Phong cách hiện đại được nhiều gia chủ trẻ độc thân ưa thích. Chi phí hoàn thiện có thể lên tới hàng chục triệu đồng một mét vuông. Ảnh: Luu Quang Minh Photography.

Giới kiến trúc sư và thiết kế nội thất ở Hà Nội, TP HCM nhận thấy có một trào lưu khởi phát từ khoảng hai năm nay: Người độc thân, dưới 30 tuổi sẵn sàng chi tiền “không cần tiếc” để làm nhà, ngược hẳn với lộ trình “cưới vợ rồi mới làm nhà” của các thế hệ trước.

Kiến trúc sư Dũng Phan (Hà Nội) tiết lộ năm 2019, số khách hàng là người độc thân độ tuổi 25 – 30 chỉ chiếm chưa đến 50% hợp đồng của công ty anh. Sang năm nay, nhóm khách này lên tới 80%. Họ đa số là người trẻ thành công sớm, thu nhập “khủng” có điểm chung là tư tưởng cởi mở, gu thẩm mỹ tốt, chủ động tìm đến và chịu lắng nghe kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất.

Số tiền người trẻ độc thân chi cho nơi ở của mình cũng tăng lên đáng kể. Theo kiến trúc sư Võ Luân (Hà Nội), trước đây, những người chưa lập gia đình, nếu có làm nhà cũng chỉ chi 200 – 300 triệu đồng cho phần nội thất song một năm trở lại đây, việc gia chủ sẵn sàng móc hầu bao một tỷ trở lên cho một căn hộ không còn gì lạ.

Nguyễn Việt Linh (người thiết kế nhà cho Vũ Hải Nam) tiết lộ, ông cũng mới xong căn hộ 100 m2 cho một cô gái độc thân 25 tuổi với chi phí 1,1 tỷ đồng. Vài gia chủ trẻ còn nhờ ông đặt mua bộ sofa từ Italy về Việt Nam với giá 2 – 3 tỷ đồng hoặc các bộ thiết vệ sinh nhập khẩu giá từ 800 triệu đến một tỷ đồng.

Các gia chủ trẻ độc thân ngày nay quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và phong cách không gian sống. Ảnh: MUST Design.

Các gia chủ trẻ độc thân ngày nay quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và phong cách không gian sống. Ảnh: MUST Design.

“Khoe đồ hiệu, ôtô xưa rồi. Giờ đây, người trẻ thành đạt khoe nhà”, nhà thiết kế Việt Linh nhận định. Thực tế, những món đồ hàng hiệu hay xe sang từng được coi như cách thể hiện bản thân giờ không còn đáng khoe nữa bởi nhiều người đủ khả năng sở hữu. Nhưng chi tiền tỷ để mua và làm nhà thì không phải ai cũng làm được. “Chỉ cần đăng ảnh nhà và nội thất xịn, dù không khoe hẳn ra, người khác cũng đoán được bạn đã tốn bao nhiêu tiền”, ông Linh nói.

Cũng vì nhu cầu thể hiện bản thân, không ít gia chủ trẻ độc thân chọn những phong cách thiết kế phức tạp, do vậy càng đẩy chi phí hoàn thiện.

Năm ngoái, Vũ Thu Phương, nữ giáo viên tiếng Anh 29 tuổi, mua căn hộ hơn 100 m2 ở quận Ba Đình. Thời điểm ấy, các mẫu nhà kiểu Nhật với cửa trượt và giường phản tích hợp tủ đồ rất được ưa chuộng, thường xuyên xuất hiện trên báo. Tự nhận “ghét đụng hàng”, cô gái trẻ tìm đến kiến trúc sư với yêu cầu “làm một căn hộ thật khác biệt, tuyệt đối không dùng cửa trượt hay giường phản”.

Căn hộ đã hoàn thiện cơ bản được phá gần hết tường ngăn, chia lại không gian. Toàn bộ trần thạch cao bị dỡ bỏ và đi dây điện nổi bọc kim loại chống cháy. “Riêng phần trần đã ngốn 100 triệu đồng”, Phương bật mí.

Nội thất nhà kết hợp giữa phong cách công nghiệp và mid-century, được “may đo” bởi Phương “ghét những thứ đại trà”, mất nửa năm mới xong. Tốn gần 900 triệu đồng chưa tính thiết bị điện tử – điện lạnh song Phương thấy xứng đáng bởi “ai đến cũng khen nhà độc đáo”.

Với thế hệ Y, nhà không chỉ là nơi ở mà còn là phương tiện thể hiện cá tính bản thân. Ảnh: Abluebird Photography/Angelo Design.

Với thế hệ Y, nhà không chỉ là nơi ở mà còn là phương tiện thể hiện cá tính bản thân. Ảnh: Abluebird Photography/Angelo Design.

Nguyên nhân khác khiến giới trẻ sẵn sàng chi tiền làm nhà là dịch bệnh. Trong bối cảnh phải thường xuyên ở nhà và ít cơ hội du lịch nghỉ dưỡng, người ta bắt đầu chăm lo cho tổ ấm của mình. “Nhiều gia chủ còn yêu cầu làm nhà như resort để hưởng thụ tại gia”, KTS Võ Luân chia sẻ.

Theo ông Luân, muốn “nhà như resort”, các gia chủ trẻ độc thân chấp nhận tốn tiền cải tạo phần thô của nơi ở, điều mà nhiều người thường tránh, nhằm tiết kiệm tài chính. Ví dụ, nhà phố đục sàn làm thông tầng, mảng xanh còn căn hộ đập tường làm vách kính cho không gian xuyên suốt, thoáng đãng. “Họ cũng thích có góc thư giãn ngay cả khi diện tích chỗ ở không lớn và chú trọng hơn đến chất liệu nội thất”, kiến trúc sư nhận xét thêm.

Sự xuất hiện của các nhóm khoe nhà trên mạng xã hội cũng thôi thúc mong muốn có một tổ ấm đẹp của giới trẻ. Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra mạng xã hội khiến chúng ta tự so sánh bản thân với người khác và đôi lúc dẫn đến sự ganh đua. Thậm chí, theo nhà thiết kế Dũng Phan, có những trường hợp tỵ nhau, thấy bạn làm nhà theo phong cách này mình cũng làm theo hoặc thấy người quen sắm ghế hàng hiệu thì mình cũng sắm theo. “Tất nhiên, đây chỉ là số ít”, ông Dũng đánh giá.

Với Vũ Hải Nam, mục đích lớn nhất khi bỏ ra hàng tỷ đồng làm nội thất là được ở trong một căn nhà chỉn chu và việc chia sẻ lên mạng xã hội nhằm giao lưu, học hỏi chứ không đặt nặng chuyện so sánh. Anh hy vọng sẽ mua được biệt thự hoặc penthouse 500 – 600 m2 có hồ bơi vào năm 30 tuổi. “Số tiền đầu tư nội thất chắc chắn sẽ không còn là 2,5 tỷ đồng mà dễ lên tới 10 tỷ”, chàng trai tự dự đoán.

Trong khi đó, Phương không đăng ảnh tổ ấm lên mạng xã hội, chỉ gửi một số bạn bè thân thiết. Mục tiêu tháng tới của cô là mua 5 chiếc đèn do nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Isamu Noguchi thiết kế, chiếc rẻ nhất giá 400 USD.

“Chúng làm từ giấy, ánh sáng vàng nhẹ rất dễ chịu”, Phương giải thích lý do mua đèn. “Có người nói tôi phù phiếm nhưng tôi không mấy bận tâm. Tôi muốn nhà là nơi thư giãn đến mức ngồi đâu cũng có thể thiền được nên sẽ cố gắng sắm mọi thứ mình thích”.

Minh Trang

Hỗ Trợ Online 24/7