Do giãn cách xã hội, nhiều người nhận ra nhà ở cần chia thành các không gian riêng biệt cho từng chức năng như ngủ, nấu – ăn, làm việc và đặc biệt là thư giãn.
Không phải ai cũng có phòng thư giãn đẹp như những bức ảnh đăng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo tiến sĩ tâm lý Andrea Bonior, không gian thư giãn không cần quá rộng. “Cảm nhận của bạn về không gian đó mới quan trọng. Vậy nên, bạn chỉ cần một chỗ đem tới cho bạn sự tích cực cả về tinh thần lẫn thể chất”, tiến sĩ Bonior nói.
Với nhà thiết kế nội thất Maureen Stevens, điều quan trọng ở một không gian thư giãn là giúp bạn tách biệt với thế giới. Dù là phòng riêng hay chỉ là một góc nhỏ trong phòng khách hoặc phòng ngủ, chỗ thư giãn cần đem lại cho bạn những giây phút thực sự dành cho bản thân để phục hồi sức khỏe tinh thần.
Góc thư giãn nên được tiếp xúc với cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Ảnh: Hiroyuki Oki/ VTN Architects
MỤC LỤC
Để tạo một góc thư giãn, đầu tiên, hãy lựa chọn vị trí.
Theo tiến sĩ Bonior, lý tưởng nhất, hãy chọn một nơi có nhiệt độ thoải mái và tránh xa các thiết bị điện tử ồn ào cũng như lối đi. Tránh bố trí chỗ thư giãn trong phòng làm việc hoặc phòng trẻ em vì nhiều khả năng bạn sẽ nhớ đến danh sách các việc chưa hoàn thành.
Nhà tâm lý học môi trường Chambers khuyên bạn đặt góc thư giãn đối diện cửa nhìn ra ngoài trời hoặc gần cửa sổ. Nếu nhà có ban công và điều kiện thời tiết cho phép, bạn hãy tận dụng không gian này làm chỗ thư giãn. Việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và cây xanh sẽ khiến bạn thư thái hơn.
Nếu cần tăng sự riêng tư mà chỗ thư giãn không có cửa, hãy dùng các giải pháp vách ngăn di động như bình phong, rèm.
Góc thư giãn không cần rộng, có thể là một góc phòng ngủ. Ảnh: Tô Nguyễn/ G+architects.
Tiếp đến, hãy xác định bạn sẽ làm gì và không làm gì ở khu vực thư giãn.
Bạn cần xác định những hoạt động sẽ diễn ra để bố trí đồ đạc. Ví dụ, nếu dùng góc thư giãn để thiền, bạn nên thêm đệm trải sàn và những món đồ thân thương, giúp bạn dễ chịu hơn như ảnh ông bà, một cuốn sách ưa thích.
Lưu ý, góc thư giãn không nhất thiết chỉ có một chức năng. Hãy hiểu đây là nơi đem tới niềm vui, sự bình yên và phù hợp với nhiều hoạt động thư giãn khác nhau như giải câu đố, thực hành chánh niệm, tập yoga hoặc đơn giản là nằm dài.
Bạn cũng có thể trang trí thêm góc thư giãn với cây xanh, nến. Lưu ý, chỉ nên bày biện vừa phải nhằm tránh cảm giác lộn xộn.
Một cách cải thiện tâm trạng mà không chiếm nhiều diện tích sàn là sử dụng màu sắc, ánh sáng. Các màu như xanh dương, xanh xám (sage) và xanh bạc hà gợi nhớ tự nhiên, thứ có khả năng giảm stress mạnh mẽ nhất.
Cây cối vừa giúp gia chủ thư giãn, vừa có thể tạo thành vách ngăn ước lệ giữa không gian sinh hoạt và nơi thư giãn. Ảnh: Ảnh: Hiroyuki Oki/ Nhabe Scholae.
Bên cạnh đó, nếu muốn ánh sáng dịu nhẹ lan tỏa khắp không gian, bạn nên dùng nhiều đèn thay vì một bóng duy nhất với công suất lớn. Ánh sáng phù hợp với mục đích thư giãn là ánh sáng trắng ấm (warm white), công suất thấp và có chao bên ngoài (không chiếu trực tiếp). Nếu phải sử dụng đèn lắp trên trần, hãy bổ sung thêm bộ điều chỉnh độ sáng.
Trên tất cả, khi đã bước vào khu vực thư giãn, hãy là chính mình.
Hãy nhớ rằng đây là không gian cá nhân của bạn và nó nên truyền cảm hứng cho bạn để kết nối lại với con người thực của mình.
Thu Nguyệt (Theo Apartment Therapy)